Đồng hồ so là gì? Công dụng và cách đọc đồng hồ so - Đại lý đồng hồ so Mitutoyo
Đồng hồ so là thiết bị đo kiểm cơ khí dựa trên sự dịch chuyển tịnh tiến trong một phạm vi rất nhỏ của một trục đo để kiểm tra độ sai lệch hình học, biên dạng và vị trí của chi tiết như kiểm tra độ thẳng, độ phẳng, độ song song, độ đảo, độ côn, độ không đồng trục, độ vuông góc, độ lệch,…
1. Đồng hồ so là gì
Đồng hồ so (Indicator/Round type dial gauge) là dụng cụ đo được gắn trên đầu đo của thước đo cao hoặc giá đỡ để đo độ thẳng, độ đảo hướng kính của mặt trong, độ phẳng, độ song song của khe, rãnh,... Đồng hồ so có rất nhiều ứng dụng đo độ vuông góc, độ côn, độ đảo, độ lệch của các công trình, sản phẩm. Nhờ vào độ sai số thấp, độ chính xác gần như tuyệt đối, đồng hồ so được dùng nhiều đối với các vị trí yêu cầu độ nhạy cảm cao.
Kết quả đo được hiển thị trên mặt đồng hồ kim chia số (đối với đồng hồ so chân gập, cơ khí) hoặc mặt đồng hồ LCD (đối với đồng hồ so điện tử).
Đồng hồ so luôn có độ nhạy cảm cao, sai số rất thấp, độ chính xác từ 0.01mm đến 0.001mm, đây cũng là yêu cầu bắt buộc của đồng hồ so để đảm bảo cho kết quả kiểm tra luôn chính xác.
Khi đo kiểm, đồng hồ so cần được gá cố định vào một thiết bị khác, chẳng hạn như các loại đế gá đồng hồ so, thước đo cao. Đồng hồ so được ứng dụng chủ yếu trong ngành cơ khí, sản xuất và xây dựng.
2. Cấu tạo và Phân loại đồng hồ so thông dụng
Bộ phận cấu tạo đồng hồ so
Các bộ phận cấu tạo nên chiếc đồng hồ so bao gồm: mặt số, vỏ, tay cầm, kim chỉ số vòng, vít hãm, tay cầm, thanh đo, ống dẫn hướng thanh đo, đầu đo,…
- Đầu đo: là phần chạm vào bề mặt chi tiết cần kiểm tra, thường được làm bằng hợp kim chống mài mòn.
- Trục đo: tùy từng loại đồng hồ so mà có chiều dài khác nhau, đáp ứng kiểm tra những dạng chi tiết đặc trưng riêng, trục đo có chuyển động tịnh tiến dọc ống lót.
- Ống lót: dẫn hướng và bảo vệ một phần của trục đo.
- Cơ cấu truyền động: bao gồm hệ thống các chi tiết liên kết truyền động cho phép trục đo di chuyển và thể hiện kết quả bằng các chuyển động của kim đồng hồ đối với loại đồng hồ so có mặt hiển thị là đồng hồ kim chỉ số. Đối với loại đồng hồ so hiển thị bằng mặt điện tử, có một hệ thống cảm biến và các mạch điện tử giúp xử lý các số liệu đo được từ đầu đo.
- Khung ngoài: Giúp bảo vệ các bộ phận bên trong của đồng hồ so, cũng có thể chống nước đối với một số loại đồng hồ so.
- Ngoài ra còn có nắp chụp, vít hãm, cần kẹp và một số bộ phận phụ khác tùy vào thiết kế của đồng hồ so.
Đồng hồ so mặc dù có kiểu dáng khá đơn giản nhưng nếu xét về thiết kế, kiểu dáng và chức năng kiểm tra thì cũng có khá nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên thì khi phân loại, thường có 2 loại chính là đồng hồ so cơ khí và đồng hồ so điện tử.
Phân loại đồng hồ so cơ khí, đồng hồ so điện tử
Dựa vào cấu tạo, đồng hồ so được phân thành 2 loại: đồng hồ so cơ khí và đồng hồ so điện tử. So với đồng hồ so cơ khí, đồng hồ so điện tử sẽ có thêm một vài chức năng mới và hiện đại hơn tùy thuộc vàng hãng sản xuất. Đồng hồ so là thiết bị quan trọng và cần thiết đối với các ngành công nghiệp, cơ khí, gia công máy móc, thiết bị, xây dựng,.....
Mitutoyo là hãng sản xuất rất nhiều mẫu Đồng hồ đo hiện nay được ưa chuộng với đa dạng nhiều loại và mẫu mã đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Phân loại cơ bản có đồng hồ so chân thẳng, đồng hồ so điện tử, đồng hồ so chân gập.
- Đồng hồ so cơ khí: Đây là loại đồng hồ so có đầu đo và trục đo lên xuống được, có vạch chia nằm trong khoảng 0,01mm tới 0,001mm cùng phạm vi đo nằm trong khoảng 0 – 1mm hoặc 1 – 5mm hoặc 1 – 10mm. Loại đồng hồ so cơ khí có toàn bộ hệ thống thước đo và hiển thị kết quả cơ cấu cơ khí, mặt hiển thị là đồng hồ chia vạch, số và kim. Loại này lại bao gồm các loại như sau: Đầu đo và trục đo có thể di chuyển lên hoặc xuống.
- Đồng hồ so điện tử: Với màn hình hiển thị LCD, kết quả đo sẽ hiển thị trực tiếp dạng số nên rất dễ đọc, đảm bảo thân thiện với người mới sử dụng, hạn chế ảnh hưởng đọc kết quả bởi các yếu tố bên ngoài. Loại đồng hồ so này xử lý các số liệu đo được thông qua các bộ cảm biến điện tử và hiển thị kết quả đo dưới dạng các số thập phân trên một màn hình LCD. Do không bị phụ thuộc vào kết cấu cơ khí bên trong thân và độ dài của trục đo, nên loại đồng hồ so điện tử được thiết kế khá gọn gàng với nhiều kiểu dáng. Và vì thế một model đồng hồ so điện tử cũng có thể phù hợp cho nhiều điều kiện đo kiểm khác nhau.
- Đồng hồ so chân gập: Với thiết kế đầu đo nhỏ gọn và phần chân đo linh hoạt có thể thay đổi góc độ, đồng hồ so chân gập phù hợp làm việc tại các góc đo, vị trí phức tạp. Loại đồng hồ so này vẫn thường được tách riêng với đồng hồ so cơ khí do có cấu tạo đặc biệt ở phần trục đo. Đồng hồ so chân gập còn có một tên gọi khác là đồng hồ so chân què. Nhờ sự linh hoạt của đầu đo nhỏ và góc đo tự do thay đổi mà đồng hồ so chân gập được sử dụng tại những vị trí đo có không gian nhỏ hẹp, khó tiếp cận bằng loại đồng hồ so thông thường. Tùy vào chi tiết cần đo để lựa chọn loại đồng hồ đo độ phẳng, độ thẳng, độ đảo mặt, độ đảo hướng kính của mặt trọng hay đo độ không song song của rãnh. Đây là loại đồng hồ so có phạm vi đo lớn từ 20mm – 100 mm, độ chia là 0.01mm.
Tham khảo các mẫu đồng hồ so thông dụng tại đây
So sánh đồng hồ so điện tử so với đồng hồ so cơ khí
So sánh đồng hồ so điện tử và đồng hồ so cơ khí, có thể nhận thấy một số điểm khác biệt nổi trội sau:
- Có thể thay đổi độ chia và phạm vi đo, cũng như từ mm sang inch cho phù hợp với yêu cầu đo kiểm.
- Dễ dàng chỉnh “0” ở bất kỳ vị trí nào trong phạm vi đo.
- Chức năng lưu trữ kết quả đo.
- Có đầu ra dữ liệu để xử lý dữ liệu đo.
- Dễ dàng đọc kết quả đo, tránh sai sót trong quá trình lưu chuyển dữ liệu.
Ngoài ra nhiều dòng đồng hồ so điện tử còn được tích hợp thêm nhiều chức năng khác giúp tối ưu hơn cho quá trình kiểm tra bằng đồng hồ so, như thiết lập trước giá trị dung sai cho phép, chức năng tính toán theo công thức… tùy theo từng model.
Hướng dẫn sử dụng và cách đọc kết quả đồng hồ so
Đồng hồ so được sử dụng để đo lường các chỉ số như Đo độ đảo là hiệu số lớn nhất giữa các trị số của đồng hồ so khi chi tiết quay 1 vòng. Hoặc Kiểm tra độ phẳng, độ song song bằng cách đặt đầu đo lên bề mặt chi tiết, dịch chuyển chi tiết trượt trên bàn map, quan sát sự thay đổi chỉ số của đồng hồ so để xác định kết quả.
Tùy vào loại đồng hồ so có cách sử dụng sẽ khác nhau, tuy nhiên về cơ bản thì mọi đồng hồ so sẽ có thể áp dụng phương pháp đo và cách sử dụng như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị vật thể cần đo, không gian thực hiện đo lường, lựa chọn đồng hồ so phù hợp và giá đỡ đi kèm (nếu cần).
- Bước 2: Kiểm tra chất lượng đồng hồ so, các tính năng hoạt động tốt hay không, bề mặt đọc kết quả có sạch sẽ, rõ nét hay không.
- Bước 3: Tiến hành Gắn cố định đồng hồ so và vật cần đo lên giá đỡ, điều chỉnh thang đo về 0 để sẵn sàng đo.
- Bước 4: Điều chỉnh vật cần đo tiếp xúc với đầu đo của đồng hồ so sao cho điểm chạm vừa đủ để kết quả đo hiển thị chính xác. Đọc giá trị trên kim chỉ vạch hoặc trên màn hình điện tử LCD theo hướng thẳng đứng để tránh sai sót. Lưu ý nên thực hiện đo lặp lại 2-3 lần để có kết quả chính xác nhất.
Cách đọc trị số đối với đồng hồ so cơ khí: số nguyên mm được đọc theo kim chỉ số (kim ngắn) trên thước nhỏ, khi kim ngắn chỉ được 1 vạch thì đầu đo dịch chuyển 1mm. Phần thập phân đọc theo kim chỉ số (kim dài) trên thước lớn. Ví dụ đồng hồ so chia độ 0.01mm, ở thước nhỏ chỉ giá trị 1, ở thước lớn chỉ giá trị 26 thì kết qua đo được sẽ là 1,26mm.
Các phương pháp đo bằng đồng hồ so
- Phương pháp đo so sánh: Đây là phương pháp đo được sử dụng khá phổ biến, thích hợp khi đo chi tiết có kích thước giới hạn lớn hơn giới hạn đo của đồng hồ so, cũng như được dùng trong kiểm tra hàng loạt các chi tiết nhằm tăng tốc độ kiểm tra. Phương pháp này được thực hiện như sau: Kẹp đồng hồ so trên đế gá, điều chỉnh đồng hồ so theo khối căn mẫu có kích thước bằng với kích thước danh nghĩa của chi tiết cần kiểm tra. Sau đó thay khối căn mẫu bằng các chi tiết cần kiểm tra, độ sai lệch được xác định bằng dấu và các trị số thể hiện trên đồng hồ so.
- Phương pháp đo tuyệt đối: Cho đầu đo tiếp xúc với bàn map, chỉnh “0” cho đồng hồ so, sau đó đưa chi tiết vào vị trí đo, số chỉ đồng hồ so sẽ là kích thước tuyệt đối của chi tiết.
Để các thao tác sử dụng đồng hồ so chính xác và ổn định, bạn nên trang bị thêm đế gá để giữ cố định thiết bị không bị dịch chuyển trong quá trình đo.
Phụ kiện đồng hồ so Mitutoyo
Để có thể sử dụng và đảm bảo các kết quả đo được chính xác thì cần có một vài thiết bị phụ kiện đi kèm đồng hồ so, bao gồm:
- Bàn máp là một thiết bị kiểm phẳng thường bằng gang, đá granite, dùng để đặt đế gá và vật thể cần đo.
- Đế gá đồng hồ so: có nhiều loại đế gá khác nhau, đặt cố định đồng hồ so.
- Bộ căn mẫu chuẩn: dùng thiết lập các kích thước chuẩn và thực hiện phương pháp đo so sánh.
- Dụng cụ hiệu chuẩn đồng hồ so: điều chỉnh lại độ chính xác cho đồng hồ so sau một quá trình sử dụng.
Công ty Cổ phần Kinh doanh thiết bị đo lường (MEB.,JSC) tự hào là đại lý ủy quyền chính thức phân phối các loại đồng hồ so và thiết bị đo lường Mitutoyo tại thị trường Việt Nam. Thông qua quan hệ hợp tác với Mitutoyo Nhật Bản, MEB.,JSC mong muốn đem tới cho người tiêu dùng trong nước sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới với mức giá phù hợp.
Hiện tại, MEB.,JSC sở hữu Trung tâm Đo Lường được Viện Đo lường chứng nhận cung cấp dịch vụ Hiệu chuẩn chuyên nghiệp, chính xác và nhanh chóng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị đo lường cơ khí chính xác, chúng tôi đảm bảo cung cấp sản phẩm và dịch vụ uy tín, chế độ bảo hành tin cậy và chăm sóc khách hàng trọn đời.